Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Tây Balô Phượt Sapa Bằng Xe Máy

Tây Balô Phượt Sapa Bằng Xe Máy Du Lịch Xe Máy – Thị trấn Sapa là một vùng đất có phong cảnh tuyệt đẹp và khí hậu dễ chịu trên cao nguyên Lồ Suối Tủng (cao nguyên Sapa) thuộc dãy Hoàng Liên Sơn và hiện là một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở miền Bắc Việt Nam.Cuối năm 2008, tôi cùng Ben, Huyền (bạn gái của Ben), Paul, đã có dịp đặt chân đến vùng đất kỳ vĩ mà tuyệt đẹp này. Từ Hà Nội, chúng tôi bắt một chuyến tàu đêm lên thị xã Lào Cai. Sáng sớm hôm sau, bốn chúng tôi đã có mặt ở Lào Cai và bắt một chuyến xe buýt lên thẳng Sapa. Việc đầu tiên chúng tôi làm sau khi nhận khách sạn là thuê xe máy để đi du lịch. Sapa là một điểm du lịch nổi tiếng nên mọi người đến đây tham quan là điều không mấy khó hiểu, nhưng đi du lịch bằng xe máy thì quả là một việc làm thú vị. Chúng tôi thuê ba chiếc xe Honda Wave: Một chiếc cho tôi, một cho Paul và một cho Ben và Huyền. Paul là một diễn viên đến từ Los Angeles. Trước đó, anh chưa bao giờ đi xe máy nhưng trông anh rất tự tin khi điều khiển xe qua những con đường hai bên là vách đá dựng đứng ở Sapa.
Mặc dù hơi run khi có đến hàng chục người đàn ông bản địa đứng quanh chúng tôi, lắc đầu, nói với Paul rằng: “Đường nguy hiểm lắm, anh không lái được đâu”, nhưng chúng tôi vẫn quyết định tự đi chứ không thuê họ chở. Cả nhóm quyết định rời Sapa để đến thăm một số ngôi làng của người dân tộc thiểu số gần đấy. Ngôi làng đầu tiên chúng tôi đến phải đi qua một đoạn đường dài gần 2km vòng qua một dãy núi. Chúng tôi gửi xe và bắt đầu đi bộ vào thị trấn, nhưng không quan sát được gì nhiều vì có rất nhiều phụ nữ người dân tộc (tôi nghĩ chắc là người H’Mông) vây quanh chúng tôi: “Mua hàng của tao đi, rẻ lắm – giá tốt đấy”. Chúng tôi mua được một ít vải dệt bằng tay và trang sức bằng bạc, sau đó lại tiếp tục đi tham quan các hang động sâu trong núi. Phía ngoài động, có một số trẻ em cầm trên tay rất nhiều đèn pin. Sau khi mặc cả, chúng tôi đã thuê bốn chiếc đèn pin với giá 10.000VND/chiếc và thuê một em nhỏ làm hướng dẫn đưa chúng tôi vào động. Mọi người đi sâu vào trong một lúc thì khám phá ra một điều rất thú vị: Đây là một cái động nối liền Việt Nam với Trung Quốc.
Em bé hướng dẫn nói với chúng tôi rằng, nếu biết đường và rảnh rỗi từ hai đến ba ngày, thì chỉ cần đi theo con động này, bạn sẽ sang được Trung Quốc. Không cần phải nói, Ben, Paul và tôi đều thích mê. Thật ngạc nhiên, một con đường hầm nối Việt Nam và nước láng giềng Trung Quốc. Bạn có tin được không? Chúng tôi rời động, quay ra chỗ gửi xe, định quay lại Sapa. Những người phụ nữ mặc váy áo đầy sắc màu lại vây quanh chúng tôi, tiếp tục mời chào mong bán được cho chúng tôi một thứ gì đó. Một trong số họ sống gần lối đi vào động mời chúng tôi quay trở lại thăm nhà cô và chúng tôi đã đồng ý. Đó là một căn nhà khá hẹp, vừa là nơi ở vừa là kho thóc và còn có một cái chuồng gia súc bên cạnh. Chúng tôi đã đề nghị được tham quan đàn gia súc của cô, muốn nhìn thấy những con lợn và cô cũng nhiệt tình cho chúng ăn ngô để giữ chúng cho chúng tôi có dịp nhìn ngắm. Có từ 12 đến 15 con lợn, hầu hết là lợn con, một ít lợn vừa và lợn nái. Tôi rất muốn mua một con để ăn và thuê người phụ nữ đó nấu bữa ăn chiều cho chúng tôi. Nhưng Paul ngăn lại và tôi nhận thấy rằng cô chủ nhà cũng không mặn mà lắm với ý tưởng này nên đành quay về Sapa. Chiều hôm đó, chúng tôi lại tiếp tục đi xe máy đến một thung lũng phía dưới Sapa. Ở đó, chúng tôi được chứng kiến tận mắt những khối đá chạm khắc cổ kì lạ và những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Toàn bộ phong cảnh ở đây thật là quyến rũ, tôi có cảm giác như thể đang lạc vào một thế giới cổ tích nào đó. Trời đất bao la, cỏ cây hoa lá chen nhau đua nở, các thửa ruộng bậc thang bao quanh sườn núi như những tấm thảm lụa mịn màng, mềm mại.
Thời điểm này đang vào vụ mùa thu hoạch, nên cánh đồng toàn màu vàng ươm thật đẹp mắt. Người địa phương nơi đây hầu hết còn phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng lao động trong gia đình, trâu bò và một số dụng vụ thô sơ để thu hoạch mùa màng. Để thu hoạch lúa, họ phải dùng liềm cắt cây lúa, bó lại thành từng bó rồi phơi khô. Khi lúa đã đủ khô, các bó được đập vào những rổ tre để lấy hạt thóc. Sau đó, thóc được nhồi vào những bao tải lớn đưa đến máy xay để xay lấy gạo. Từ đây, chúng tôi trở về khách sạn sau một ngày đi tham quan thật thú vị, chuẩn bị ăn bữa tối. Thực sự, chúng tôi đã có một khoảng thời gian nghỉ ngơi thật thoải mái. Nguồn: sưu tầm

1 nhận xét: